CHẶNG ĐƯỜNG 10 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA CANH TÁC HỮU CƠ TẠI CHÂU ÂU

Tỷ lệ đất nông nghiệp của Châu Âu được canh tác hữu cơ đã tăng hơn 50% trong giai đoạn 2012 – 2020, với mức tăng hàng năm là 5,7%. Vào năm 2020, 9,1% diện tích nông nghiệp của Châu Âu được canh tác hữu cơ. Trung bình, mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia thành viên, các trang trại hữu cơ lớn hơn các trang trại thông thường và được điều hành bởi những người quản lý trang trại trẻ hơn. Hưởng ứng sự tăng trưởng của sản xuất, doanh số bán lẻ các sản phẩm hữu cơ ở EU đã tăng gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2020. Đây là một trong những kết luận chính của Bản tóm tắt thị trường về canh tác hữu cơ do Ủy ban châu Âu công bố ngày 18/01/2023.

Ngoài ra, bản tóm tắt còn đưa ra các yếu tố phân tích về sản xuất hữu cơ, tính bền vững của ngành hữu cơ, doanh số bán hàng hữu cơ, nhập khẩu sản phẩm hữu cơ cũng như loại và số tiền hỗ trợ công mà lĩnh vực hữu cơ của EU nhận được…

Một số điểm nổi bật của canh tác hữu cơ Châu Âu trong 10 năm qua: 

– Doanh số bán lẻ các sản phẩm hữu cơ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2015 – 2020. 

– Diện tích hữu cơ tăng trung bình 5,7% mỗi năm trong giai đoạn 2012 – 2020. 

– 9,1% diện tích đất nông nghiệp của EU là đất canh tác hữu cơ năm 2020. 

– Thực hành canh tác hữu cơ cải thiện phúc lợi động vật trong khi giảm sử dụng thuốc kháng sinh

– 61% người dân Châu Âu có nhận biết về logo canh tác hữu cơ…

Các sản phẩm hữu cơ nhập khẩu ở Châu Âu theo các nhóm ngành

Các lý do chính để người dân Đan mạch mua sản phẩm hữu cơ năm 2020

Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức là bốn quốc gia có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất ở EU, chiếm 52% tổng diện tích hữu cơ vào năm 2012, và 59% vào năm 2020. Tỷ lệ diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất ở EU được dành riêng cho đồng cỏ vĩnh viễn (42%), tiếp theo là thức ăn xanh cho gia súc (17%), ngũ cốc (16%) và cây trồng lâu năm: trái cây, ô liu và vườn nho (11%). Mặc dù có sự tăng trưởng đáng kể, sản xuất chăn nuôi hữu cơ vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng chăn nuôi của EU, từ 1% đến 7% tùy thuộc vào lĩnh vực.

Vào thời điểm mà EU cần giảm sự phụ thuộc vào phân bón thì dữ liệu từ Mạng dữ liệu kế toán trang trại của EU (FADN) cho thấy các trang trại sản xuất cây trồng hữu cơ chi tiêu ít hơn nhiều cho các sản phẩm này và thuốc trừ sâu so với các trang trại thông thường. Các trang trại trồng trọt hữu cơ tiết kiệm 75 – 100% chi phí thuốc bảo vệ thực vật trên mỗi ha và 45 – 90% chi phí phân bón trên mỗi ha so với các trang trại thông thường. Các trang trại hữu cơ có năng suất trung bình thấp hơn (ví dụ như năng suất cây trồng thấp hơn 5 – 30%) và trong một số lĩnh vực cần nhiều lao động hơn để tạo ra cùng một giá trị đầu ra như các trang trại thông thường. Họ vẫn tạo ra thu nhập tương đương hoặc cao hơn trên mỗi công nhân nhờ giá cao hơn cũng như mức hỗ trợ cao hơn của Châu Âu, chủ yếu xuất phát từ Chính sách nông nghiệp chung (CAP).

Sự gia tăng nhanh chóng doanh số bán các sản phẩm hữu cơ cho thấy sự tăng trưởng của nhu cầu tiêu dùng và sự thành công của các biện pháp duy trì nhu cầu. Doanh số bán hàng hữu cơ tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch COVID-19, được hiểu là hệ quả của việc người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề sức khỏe, mức tiêu thụ thực phẩm tại nhà cao hơn và/hoặc tình trạng thiếu hụt thực phẩm thông thường. Tuy nhiên, những phát triển kinh tế hiện nay, chẳng hạn như lạm phát lương thực, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng Châu Âu và có ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ.